(HBĐT) – Tỉnh ta có nhiều sản phẩm đã, đang phát triển sản xuất hàng hóa như: Nhãn, thanh long, chuối, bí xanh, bí đỏ; đặc biệt, nhiều sản phẩm lợi thế vùng miền như: Mía tím, chè, ngô nếp, quả ôn đới, cây gia vị và cây dược liệu. Nhiều sản phẩm nêu trên đã, đang được xuất khẩu (nhãn, chuối, mía, bí, rau, dưa chuột, gừng…). Các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh ban hành đề án, nghị quyết phát triển cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế, phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, đưa Hòa Bình thành một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện đồng bộ hoạt động này.
Cuối tháng 3 vừa qua, HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường – Sông Đà đã tổ chức đóng gói, làm thủ tục xuất 20 tấn chuối được cấp MSVT xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các yêu cầu trồng trọt, cũng như quy trình sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối tươi của HTX được thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Ông Trần Văn Tú, Giám đốc HTX cho biết: Năm ngoái, HTX đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, những quy chuẩn về đóng gói chưa được thực hiện thì đến năm nay đã hoàn thiện, sản phẩm chuối đã xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Diện tích chuối của HTX khoảng 25 ha, sản lượng khoảng 750 tấn/năm, tất cả sẽ được xuất khẩu. Bên cạnh đó, HTX đưa vào thử nghiệm trồng hơn 2 ha khoai lang tím, cũng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: MSVT đã được quy định rõ tại Điều 64, Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), theo đó: “MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng”. Để được cấp mã số thì vùng trồng phải đáp ứng nhiều yếu tố như: Được trồng tập trung, thuần loài, diện tích phù hợp và được định vị, áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, nhật ký đồng ruộng đầy đủ, đặc biệt là nhật ký về xử lý thuốc bảo vệ thực vật, đã được cấp chứng nhận hoặc chứng minh được việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (GAP). Đi liền với cấp MSVT là việc cấp mã số cơ sở đóng gói, đây là yêu cầu căn bản để thực hiện quy định kiểm dịch thực vật xuất khẩu. Cũng như MSVT, một cơ sở đóng gói chỉ được cấp mã số khi đáp ứng được những điều kiện cơ bản như: Diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất; có đầy đủ trang thiết bị; nguồn nước sơ chế đảm bảo an toàn; hàng luân chuyển theo nguyên tắc 1 chiều; khu vực đóng gói không có sự có mặt của côn trùng; người đóng gói phải đảm bảo đủ sức khỏe, được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động…
MSVT và mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm, đến khâu thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai, khi quá trình hội nhập, cạnh tranh ngày càng sâu rộng.
Tính đến tháng 10/2020, riêng đối với thị trường Trung Quốc, cả nước đã có 1.742 MSVT với diện tích 185.196 ha, 1.840 MSCSĐG cho 9 loại quả tươi xuất khẩu sang thị trường này. Tại khu vực phía Bắc, một số tỉnh đã thực hiện khá thành công việc cấp, quản lý mã số trên các vùng trồng nhãn, vải, chuối, dưa hấu, thanh long xuất khẩu…, như tỉnh Hải Dương có 95 MSVT, 120 MSCSĐG; tỉnh Bắc Giang có 215 MSVT, 289 MSCSĐG; tỉnh Sơn La có 130 MSVT, 37 MSCSĐG… Đối với Hòa Bình, hoạt động hỗ trợ cấp MSVT, MSCSĐG được thực hiện thí điểm từ năm 2019. Đến hết 2020, tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp 9 MSVT với diện tích 76,3 ha và 7 MSCSĐG. Năm 2020, đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi, 180 tấn chuối của TP Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Nhìn chung, việc cấp MSVT ở tỉnh còn rất khiêm tốn, kém xa tiềm năng phát triển và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, việc sơ chế, đóng gói sản phẩm đúng quy định mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp cho một số sản phẩm rau, chuối, chè. Đại đa số hiện nay, việc sơ chế đóng gói sản phẩm trồng trọt của các hộ dân, HTX, doanh nghiệp diễn ra ngay trên đồng ruộng, hay tại những cơ sở nhỏ, không được trang bị dụng cụ, thiết bị phù hợp, chính vì vậy, chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều, chưa đi đúng tâm lý khách hàng.
Để khắc phục những hạn chế trên, các ngành chức năng đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 4/1/2021, BCH Đảng bộ, BTV Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa nội dung hỗ trợ cấp MSVT cho các sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế của tỉnh vào chương trình công tác trọng tâm năm 2021 (Chương trình số 03-CTr/TU). Trên cơ sở đó, nghiên cứu ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ cấp MSVT cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Lê Chung